FDI trong ngành gỗ: Xây dựng hệ sinh thái FDI tốt
Long Hưng Company

Written by Long Hưng

09/06/2020

” FDI tốt là FDI có thể đóng góp vào tầm nhìn chung của ngành gỗ. FDI tốt thực sự nhấn vào sâu vào ngành công nghiệp, đầu tư sản xuất kết hợp chuỗi cung ứng Việt Nam, chuyển giao công nghệ, không chỉ đơn thuần là FDI nhập khẩu hay xuất khẩu. FDI tốt đương nhiên phải là công ty hợp pháp, có trách nhiệm công dân, đóng thuế. Vaới cam kết tuân thủ về pháp lý, môi trường, cạnh tranh, CP cũng phải hỗ trợ các công ty FDI có cam kết thì sẽ có được hệ sinh thái FDI tốt.”

Theo con số thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết năm 2019 tổng số doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành gỗ là 966, tăng 11,4% so với số doanh nghiệp FDI năm 2018. Tổng số vốn đầu tư đăng kí của các doanh nghiệp trong khối này đạt tới 6,3 tỉ USD tính đến hết 2019, tăng 13,2% so với tổng vốn đăng ký hết năm 2018.

Đứng đầu danh sách này là Đài Loan với tổng giá trị đầu tư là 1 tỉ USD với 220 dự án, Trung Quốc đầu tư 651,4 triệu USD với 217 dự án, Hồng Kông chỉ có 58 dự án với số vốn là 952 triệu USD. Đồng thời, nguồn đầu tư của Trung Quốc vào ngành gỗ dẫn đầu trong tất cả các nguồn đầu tư, trên cả ba khía cạnh là dự án mới, tăng vốn và mua bán sát nhập.

Những thống kê này không mới, và cả những câu chuyện đi sau những dự án này cũng không còn xa lạ với các nhà quản lý và chuyên gia trong nước, vì khi ráp nối những thông tin này với nhau cho thấy, một số tín hiệu về gian lận thương mại có thể xảy ra trong một số doanh nghiệp FDI của Trung Quốc. Hình thức gian lận thương mại này cũng có thể xảy ra tại một số doanh nghiệp có liên quan đến nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc. Không chỉ gian lận xuất xứ, nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách với hàng tạm nhập tái xuất, khi nhập các thành phần sản phẩm vào, sơn hoàn thiện và xuất đi để không nộp thuế cho Việt Nam, cũng là một trong những lo lắng được bàn luận nhiều trong thời gian qua. Và điều đáng buồn là đầu tư núp bóng gian lận thương mại không chỉ diễn ra ở ngành chế biến xuất khẩu gỗ mà còn xuất hiện trong một số lĩnh vực khác đã được các cơ quan chức năng cảnh báo. 

Ông Đỗ Xuân Lập, chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết những gian lận thương mại nếu không được phát hiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu của ngành gỗ mà nhiều ngành khác cũng sẽ bị liên lụy, các nước nhập khẩu sẽ thắt chặt hơn các điều kiện cũng như quy trình kiểm tra xuất xứ hàng hoá. Vì thế, loại bỏ rủi ro trong đầu tư không có trách nhiệm, đầu tư núp bóng là vấn đề hết sức cần thiết. Các cơ quan quản lý cùng với các hiệp hội, các cơ quan nghiên cứu xác định các vấn đề rủi ro có liên quan đến khía cạnh này, từ đó đưa ra các biện pháp kịp thời, hiệu quả. Làm được điều này không chỉ giúp loại bỏ các hoạt động không bình đẳng trong đầu tư, thương mại mà còn góp phần quan trọng nâng cao hình ảnh của ngành hàng Việt Nam, sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết, ngoài câu chuyện về chất lượng đầu tư FDI còn có câu chuyện về đầu tư thực chất, và những câu chuyện ẩn danh gây bất lợi cho nền kinh tế. Các chính sách quản lý cũng cần được thiết kế xung quanh điều này vì tỉ lệ tăng trưởng xuất khẩu gỗ cao gần gấp ba lần tốc độ tăng xuất khẩu trung bình của toàn bộ các ngành của Việt Nam, đó là tín hiệu đáng mừng, nhưng nó vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khác vì khi các ngành tăng trưởng xuất khẩu còn khó khăn thì ngành gỗ này tăng trưởng tập trung vào thị trường xuất khẩu đầy rủi ro là Mỹ, và rủi ro về gian lận thương mại không chỉ với riêng ngành gỗ mà cho toàn bộ nền xuất khẩu của Việt Nam. Một khi thâm hụt thương mại Mỹ-Việt Nam lớn thì các biện pháp hành động của phía Mỹ là khá lo ngại. 

Chúng ta cần nhớ rằng, nhóm hàng tăng trưởng mạnh nhất đi Mỹ cũng là nhóm tăng trưởng mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc, nhóm doanh nghiệp tăng trưởng FDI cũng là nhóm doanh nghiệp tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ nên cần có những khuyến nghị về chính sách trong lựa chọn FDI, kiểm soát FDI. Trong khi đó, ông Thomas, tổ chức DFID của Thụy Điển đánh giá rằng, FDI tốt là FDI có thể đóng góp vào tầm nhìn chung của ngành gỗ. FDI tốt thực sự nhấn vào sâu vào ngành công nghiệp, đầu tư sản xuất k ế t h ợ p chuỗi cung ứng Việt Nam, chuyển giao công nghệ, không chỉ đơn thuần là FDI nhập khẩu hay xuất khẩu. FDI tốt đương nhiên phải là công ty hợp pháp, có trách nhiệm công dân, đóng thuế. Với cam kết tuân thủ về pháp lý, môi trường, cạnh tranh, chính phủ cũng phải hỗ trợ các công ty FDI, có cam kết thì sẽ có được hệ sinh thái FDI tốt.

Năng lực sản xuất của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây nhưng con số xuất khẩu không thể tăng đột biến như vậy được. Đây là điều đáng lo ngại, có thể ảnh hưởng đến sản xuất, uy tín ngành gỗ, vì vậy, lực lượng chức năng như hải quan cần quyết liệt hơn với vấn đề này, để tránh những gian lận có thể xảy ra, đó là lo ngại của ông Nguyễn Liêm – Chủ tịch Hội Chế biến gỗ Bình Dương. Cũng theo ông Liêm, ông hi vọng đây chỉ là hiện tượng manh mún bởi thực tế cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ ngày càng lớn mạnh và hướng đến sự chuyên nghiệp, uy tín để chinh phục những thị trường khó tính.

Ngành gỗ đề ra chiến lược mở rộng kim ngạch xuất khẩu khoảng 20 tỉ USD đến 2025. Hiện các doanh nghiệp FDI đóng góp gần một nửa kim ngạch xuất khẩu, vì vậy khuyến khích nỗ lực của các doanh nghiệp FDI nhằm đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đặt ra là điều vô cùng cần thiết vào lúc này.

Đức Thành – Gỗ Việt 120

Related Articles