Đón cơ hội từ nguồn nguyên liệu châu Âu
Long Hưng Company

Written by Long Hưng

09/06/2020

Dù các con số thống kê cho thấy ngành gỗ Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Bà Huyen Richard, Giám đốc công ty RNBS chuyên cung cấp gỗ cho thị trường Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonexia, Campuchia, Việt Nam,..  vẫn có cái nhìn tích cực về cơ hội phát triển  ngành gỗ Việt Nam trong giai đoạn này. Dưới đây là bài viết bà dành riêng cho Tạp chí Gỗ Việt, trong đó đưa ra những góc nhìn khác về triển vọng của ngành gỗ trong khoảng thời gian tới.

Tại Miền Bắc, tỷ lệ gỗ tròn nhập khẩu từ Châu Âu và Châu Phi chiếm trên 70% nguồn cung cho khu vực này, nguồn gỗ nhập chủ yếu  phục vụ cho thị trường nội địa là chính. Trong khi đó ở phía Nam nhập khẩu các loại gỗ châu Âu, Mỹ,….được sử dụng để sản xuất đồ nội thất để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Úc,…. Hai năm trở lại đây, nhu cầu về gỗ tròn ở thị trường phía Nam tăng lên, chủ yếu tới từ các công ty có vốn đầu từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc tại Việt Nam và Công ty Richard của tôi là công ty cung cấp gỗ nguyên liệu lớn từ châu Âu. 

Như mọi năm trước đó, các công ty Việt Nam thường kí các hợp đồng lớn vào khoảng thời gian từ tháng 9 tới tháng 12, đó là khoảng thời gian trước Tết Nguyên đán. Nhưng từ tháng 11 năm ngoái tới giữa tháng 3 năm nay (2020), lượng mưa ở Châu Âu tăng rất nhiều so với những năm trước. Vì vậy, những nhà cung cấp gỗ tại đây quyết định ngừng khai thác gỗ ở các cánh rừng, đồng nghĩa các doanh nghiệp không có đủ nguyên liệu từ trước Tết.

Đón cơ hội từ nguồn nguyên liệu châu Âu

Đến tháng 2 năm nay, chi phí vận chuyển tăng cao vì nhiều lý do khác nhau trong đó có sự ảnh hưởng của dịch Covid -19, chẳng hạn như vận chuyển hàng hóa từ cảng Antwerp (Bỉ) đến cảng Hải Phòng là khoảng 750USD/container trong tháng 1 đã tăng lên 1.400 USD/container vào tháng 4.

Chính hai lý do này khiến cho thị trường gỗ tròn trở nên phức tạp như hiện tại, giá thành tăng. Tôi tiếp xúc với rất nhiều khách hàng ở Việt Nam và nhận thấy rằng, nhu cầu nhập khẩu gỗ như sồi,tần bì,…..là rất lớn nhưng do thời tiết xấu, nhiều nhà cung cấp gỗ ở Châu Âu đã phải hủy bỏ một số hợp đồng hoặc một số hợp đồng được giao hàng muộn hơn. Thêm vào đó từ sau chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nhu cầu gỗ tần bì thay đổi rất nhiều so với trước đó. Trước đó Việt Nam chủ yếu nhập khẩu gỗ tần bì để sản xuất phục vụ cho thị trường trong nước, nhưng hiện tại còn dùng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Việc thiếu hụt nguyên liệu sản xuất hiện tại vẫn có thể khắc phục được, chẳng hạn như ở Châu Âu, các nhà cung cấp vẫn có thể xuất khẩu gỗ bình thường, nhưng có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi thiếu hụt công nhân làm việc trong các nhà máy. Hiện tại, do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 nên hầu hết trong số họ đang làm việc tại nhà, thay vì làm việc ở nhà máy. Mặt khác, chất lượng dịch vụ hành chính và các thủ tục hải quan khá trì trệ khi phải mất nhiều thời gian hơn để thu thập đầy đủ chứng từ, giấy tờ cần thiết.

Thường tháng 4 là cuối mùa khai thác gỗ tròn, vì vậy, tất cả các nhà cung cấp muốn xuất khẩu gỗ càng sớm càng tốt trước khi bước vào mùa Hè. Nhưng tại thời điểm này rất khó để tìm thấy container. Kể từ khi bắt đầu đại dịch cho tới nay, lượng hàng hóa xuất khẩu từ Châu Á đến Châu Âu giảm rất nhiều, một số đơn hàng (kể cả các ngành nghề khác) bị hủy bỏ, do vậy nhiều container đều nằm tại các cảng ở Châu Á, điều này dẫn tới sự thiếu hụt container ở Châu Âu.

Nhưng tôi vẫn cho rằng, không khó để mua được nguyên liệu trong thời điểm này, vấn đề chỉ là chi phí vận chuyển và giá CIF tăng cao. Nhưng chúng ta cũng không nên quá bi quan, vì thời điểm này các thị trường đều ở tình thế mong manh như nhau, sự khác biệt chỉ đến từ nguồn vốn của các công ty. Tôi chỉ lo là nhiều công ty Việt Nam không thể chờ đến khi thị trường khởi sắc trở lại và sẽ phải đóng cửa.

Nhưng nếu trụ vững được trước dịch Covid-19 nhiều công ty có cơ hội phát triển mạnh hơn, khi nhu cầu sẽ tăng trở lại, và tôi hi vọng, khi các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu mở cửa trở lại, sẽ giúp đẩy giá gỗ nguyên liệu giảm xuống, vì nhu cầu mua sắm ở các thị trường này giảm xuống. Chúng ta cần phải bình tĩnh để chờ cơ hội của mình.

Huyền Richard – Gỗ Việt số 121,tháng 4/2020         

Related Articles